Các đài không có được bản quyền ASIAD 18, và khán giả Việt đành xem “lậu” U.23 Việt Nam đá tại ASIAD 18. Phải nói thẳng, đây là thói quen xấu, chỉ là giải pháp tình thế và chuyện xem “lậu” không thể khuyến khích vì đây là một hành vi vi phạm bản quyền tràn lan, mất kiểm soát dẫn đến nhiều hệ lụy...
Xem miễn phí U.23 Việt Nam bằng link “lậu”
Do Việt Nam không có bản quyền ASIAD 18 nên khán giả chỉ có thể theo dõi các trận đấu của U.23 Việt Nam thông qua các trang mạng và facebook. Thế nên, những từ khoá như “Xem trực tiếp U.23 Việt Nam”, “link trực tiếp ASIAD”… được tìm kiếm nhiều nhất trên google trước khi bóng lăn..
Trước đó, VTV đã chính thức thông báo về việc không thể sở hữu được bản quyền phát sóng ASIAD do giá quá cao. Ngoài VTV, cũng không có đơn vị truyền hình nào sở hữu bản quyền ASIAD 18. Chính vì vậy mà rất nhiều trang mạng đã dẫn các đường link nước ngoài có phát trực tiếp các trận đấu tại ASIAD 18. Thậm chí, có những trang web dẫn link trực tiếp kèm theo cả phần bình luận tiếng Việt chẳng kém cạnh với các trận đấu được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình.
Nhiều hệ luỵ khó lường
Việc các khán giả xem “lậu” các trận đấu bóng đá trong nước và quốc tế thông qua internet lâu nay là một vấn nạn. Đặc biệt, kể từ khi facbook có tính năng livestream (phát trực tiếp) thì việc xem “lậu” lại càng phổ biến và khó kiểm soát, khiến các đài truyền hình ở Việt Nam điêu đứng.
VTVCab từng phải trả giá vì tình trạng không kiểm soát được việc vi phạm bản quyền UEFA Champions League khiến đối tác cắt sóng và sau đó mất quyền sở hữu bản quyền của giải đấu hàng đầu Châu Âu này, sau khi đã làm đủ mọi cách trong đó có việc “cầu cứu” Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng để ngăn chặn.
Tại World Cup 2018, VTV phải rất khó khăn để sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu miễn phí trên cách kênh quảng bá phục vụ người hâm mộ, nhưng tình trạng xem “lậu” vẫn diễn ra tràn lan dù có cơ chế chia sẻ và xử lý vi phạm bản quyền, bên cạnh những thông báo khuyến cáo mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia lĩnh vực truyền hình, nếu tình trạng xem “lậu” vẫn tiếp tục diễn ra, chính người hâm mộ sẽ chịu thiệt thòi về việc được theo dõi truyền hình một cách đàng hoàng. Sắp tới, Việt Nam còn 2 giải đấu lớn mà ĐTQG sẽ tham dự là AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Được biết, giá trị bản quyền truyền hình cũng không hề thấp. Và nếu cứ tiếp tục xảy ra tình trạng xem “lậu” như hiện nay thì sẽ khó khăn cho các nhà đài trong việc đàm phán để mua bản quyền truyền hình. Thậm chí, khi sở hữu gói bản quyền truyền hình nhưng không thể kiểm soát được tình trạng vi phạm cũng có thể bị dừng phát sóng.
Sau câu chuyện bản quyền World Cup 2018, mô hình liên kết nhiều nhà đài lại và kêu gọi nhiều doanh nghiệp chung tay để mua bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao lớn đã được tính đến. Nhiều nước khu vực Đông Nam Á đã áp dụng điều này. Vấn đề được đặt ra là chính người hâm mộ Việt Nam cần hình thành thói quen trả tiền xem truyền hình.
Ông Nguyễn Hà Nam - người phát ngôn của VTV từng phát biểu: “Trong khi các nước trong khu vực sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 18 để phát sóng trên các kênh truyền hình trả tiền thì ở Việt Nam lại khó. Nếu giả sử mua bản quyền ASIAD 18 thì chắc chắn các giải đấu cũng được phát sóng trên các kênh truyền hình miễn phí, bởi vì khán giả Việt Nam đã quen với điều đó”.
Vấn đề bản quyền các giải đấu thể thao lớn như World Cup, Olympic hay ASIAD đang đặt ra những thách thức đối với các nhà đài. Bởi khi đối tác sở hữu bản quyền định giá cao vượt quá khả năng của nhiều đài và truyền hình trả tiền ở Việt Nam chưa phát triển thì việc khán giả không được xem các trận đấu trên truyền hình sẽ còn tái diễn chứ không chỉ ASIAD 18 này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét